Theo số liệu của tờ Dealogic, các ngân hàng ở Mỹ kiếm được 35.6 tỷ USD trong tổng số 72.7 tỷ đô tiền phí giao dịch từ các tổ chức và chính phủ cho các thương vụ cổ phiếu và các công cụ nợ, các khoản vay và các thương vụ M&A tính từ đầu năm đến ngày 17 tháng 12. Con số này gần bằng một nửa (49%) lượng phí giao dịch của các ngân hàng đầu tư trên toàn cầu và là mức cao nhất kể từ năm 2002 tại Mỹ.

6 trong top 10 ngân hàng trên thế giới có doanh thu từ phí giao dịch ngân hàng đầu tư cao nhất thuộc về Mỹ, trong đó có 5 ngân hàng thuộc top đầu tiên trong danh sách này. Trái lại, các ngân hàng châu Âu chỉ chiếm được 30% trên tổng số, mức thấp nhất từ trước đến nay.

Sự chuyển hướng đang diễn ra và nghiêng về phía Mỹ, nơi mà các ngân hàng có lợi thế sân nhà và phát triển mạnh mẽ hơn các khu vực khác. Tổng mức thu phí giao dịch của Mỹ ở mức 35.6 tỷ USD, tăng hơn so với những năm trước. Ở châu Âu, mức phí này là 17.7 tỷ USD, chiếm 24% trong tổng mức thu toàn cầu, giảm so với mức trung bình của 10 năm trước tại 31%. Tại khu vực châu Á, các ngân hàng đầu tư thu được 13.6 tỷ USD.

Deutsche Bank, Credit Suisse, Barclays và UBS đã có những sự tái cấu trúc mạnh mẽ trong khoảng 2 năm trước và thu hẹp hoạt động khỏi một số lĩnh vực kinh doanh và khu vực. Tại châu Âu đã có quy định áp đặt mức trần tiền thưởng cho người lao động ở mức gấp đôi tháng lương của họ và cho phép một phần lớn trong số đó có thể trả bằng cổ phiếu. Mike Karp, CEO của công ty tuyển dụng Options Group, nói với trang Business Insider rằng các ngân hàng ở Mỹ chi trả các khoản khen thưởng cho nhân viên của họ tốt hơn các ngân hàng ở châu Âu, ông nói thêm rằng: “Ngày càng khó khăn hơn cho các ngân hàng tại châu Âu trong việc thu hút được nhân tài, vì điều này phụ thuộc vào chi phí và các quy định. Thêm vào đó, nhân viên tại các nước này phải nhận một phần cao hơn trong tiền thưởng của họ bằng cổ phiếu hơn là tại các ngân hàng khác ở Mỹ”

(Nguồn: Business Insider)